Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Kiếp người

0 nhận xét
image
Một buổi sáng như bao ngày bình thường khác. Vẫn cái không gian ồn ào và bụi bặm; tiếng xe cộ, tiếng cười nói, tiếng rao hàng, xa xa lại nghe tiếng chửi bới một người nào đó vô ý thức chạy xe vượt đèn đỏ…

Anh cảm thấy mệt mỏi và ngán ngẩm mỗi khi thức giấc lại nghe những âm thanh dội vào tai để lại di chứng của căn bệnh trầm kha muôn thuở. Kiếp người!

Anh được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tương đối khá giả về mặt kinh tế. Cha là kĩ sư của một nhà máy, mẹ là chủ của một tiệm sách với đầy đủ các loại sách cổ kim triết học. Là con trai duy nhất nên anh được thừa hưởng tất cả tình thương của cha mẹ, mặc dù tình thương ấy chỉ là những thời gian ngắn ngủi trong những buổi cơm tối của gia đình.

Nhắc đến tuổi thơ của một ai đó, người ta thường thấy ẩn hiện một bến đò, một dòng sông, một cánh đồng cò bay thẳng cánh, một con diều nhỏ bé tự do bay lượn trên bầu trời… Với anh thì khác. Tuổi thơ không có dòng sông, cánh đồng, con diều hay đại loại một thứ gì đó dính lứu đến đồng quê. Anh vùi đầu vào sách vở ngay từ khi biết đọc, biết viết. Anh bắt gặp hình bóng của đàn cò trắng, của những con trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ,… những hình ảnh đó đến với anh, xây dựng trong anh một vùng khói sương xa xăm bình yên và bãng lãng. Một ngày nào đó ta sẽ đến những nơi ta thích, ta sẽ xây dựng một cuộc sống tự do cùng tuế nguyệt,… Nhưng bây giờ thì phải học, học để rạng danh với đời, học để người đời nhìn ta với con mắt ngưỡng mộ, họ sẽ ta thán khi ta xuất hiện và rồi tiếc rẽ khi ta lặng lẽ bước đi.

Rồi những ước mơ của anh cũng trở thành hiện thực sau một quá trình nỗ lực phấn đấu. Anh được tuyển thẳng vào một công ty viễn thông nước ngoài với một chức vụ khá cao và mức lương hậu hĩnh sau khi vừa tốt nghiệp đại học. Không lâu sau đó anh vang danh với một phát minh khoa học để đời. Từ đó tên tuổi anh được mọi người biết đến như là một tinh cầu vừa được phát hiện trong dãy ngân hà. Anh hãnh diện và có phần tự cao trong những lúc xuất hiện trước báo giới, trước các phương tiện thông tin đại chúng. Ánh đèn xanh đỏ của hội trường, của những buổi vinh danh, của những đêm dạ tiệc đã khiến anh thỏa mãn và tưởng chừng như cuộc sống hạnh phúc mà các đấng tối tôn nào đó hưởng thụ cũng chỉ có thế này.

Các tiếng ồn đã kéo anh về với thực tại. Sau một đêm liên hoan chúc mừng cho sự thành công, anh thức dậy cảm thấy nặng đầu và đắng nơi cổ họng. Ta thành công rồi, ta sung sướng rồi, nhưng ta còn cần gì nữa đây giữa cuộc sống hào hoa và chớp nhoáng này? Lại bắt đầu một ngày mới. Sống, làm việc, vui chơi, hưởng thụ, nhà lầu xe hơi,… tất cả ta đã có, nhưng tại sao ta vẫn cảm thấy thiếu thốn. Một nỗi buồn miên viễn đang ngự trị trong ta. Ta cần gì? Anh cảm thấy nhức đầu với những suy nghĩ đó và tìm cách giải quyết bằng cách đi lang thang và hoà nhập vào dòng người tấp nập đang bận rộn với cuộc mưu sinh.

Những bước chân vô tình dẫn anh đến hiệu sách của mẹ. Qua vài lời xã giao với người phụ bán, anh biết mẹ anh đang đi công việc. Anh tiến đến các kệ chứa những quyển sách lịch sử dày cộm và hình như ít ai để ý đến nó. Ngày nay, con người chỉ chú ý đến những gì mới mẻ và có lợi nhuận nên chỉ tìm đọc những cuốn sách dạy cách làm ăn; nào là phương pháp thành công, marketing, kinh tế tài chính, ngoại thương,… ít ai còn quan tâm đến những vấn đề cũ rích và khó nhớ mà những cuốn sách này lưu lại.

Sau một hồi đảo mắt quanh các giá sách, anh chợt ấn tượng khi bắt gặp quyển Lịch Sử Đức Phật Thích Ca. Càng đọc anh càng cảm thấy thích thú với quyển sách lịch sử này. Nó kể về một vị Thái tử của một vương quốc Ấn Độ cổ xưa. Mặc dù vị Thái tử này sống trong cảnh giàu sang và quyền quý, nhưng trong Ngài vẫn khắc khoải về nỗi thống khổ của nhân sinh.

Tại sao con người sinh ra? Tại sao họ lại chịu đau khổ của già, bệnh và chết? Chẳng lẽ đó là sự an bài của một đấng sáng tạo nào đó đã trớ trêu tạo ra con người rồi gieo rắc vào đó nỗi thống khổ để con người van xin cầu nguyện cứu vớt và cười hả hê khi nhìn sự van xin đó? Càng đọc anh cảm thấy có cái gì đó đồng cảm với những suy nghĩ mơ hồ của mình, mặc dù nó không lớn lao như đức Phật nhưng anh vẫn thấy có một tia sáng đã soi roi vào cuộc đời tăm tối mà anh cùng mọi người đang bước đi.

Anh thật sự ấn tượng trước sự lìa bỏ tất cả của đức Phật để ra đi tìm chân lý cứu vớt chúng sinh. Đến đây, trong anh cảm thấy có một luồng sinh khí mới, có một cái gì đó thôi thúc mà anh không thể nào diễn tả bằng lời. Đọc từ trang này đến trang khác, anh say mê và bị cuốn hút bởi sự vĩ đại của Ngài, anh cảm thấy lâng lâng và bất chợt nảy sinh một ý nghĩ táo bạo mà anh chưa bao giờ nghĩ đến. Một ngày nào đó ta sẽ ra đi!

Anh giật thót mình khi một bàn tay chạm nhẹ vào vai. Mẹ anh đã đứng đó tự khi nào mà anh không hề hay biết. Anh cảm thấy sợ, hình như mẹ đã đọc được ý nghĩ trong đầu anh. Sau vài lời thăm hỏi và anh tìm cách lẫn trốn mẹ với một lý do đơn giản: Con xin phép về đi làm! Mẹ anh không một mảy may nghi ngờ và một sự tự hào nổi lên trong bà, nó bị biến mất khi một khách hàng hỏi về giá của một quyển sách ngoại ngữ nào đó.

Từ đó, hàng ngày anh thường xuyên tìm sách về Phật giáo để nghiên cứu. Để tránh bị mẹ phát hiện, anh không đến tiệm sách của mẹ mình mà vào các nhà sách lớn của thị trấn. Càng nghiên cứu anh càng cảm thấy ngưỡng mộ và khâm phục trước nền giáo lý tuyệt vời của đạo Phật. Nhưng trong anh vẫn còn nhiều chỗ chưa được rõ và nhiều vấn đề thắc mắc cần phải tìm bậc minh sư để hỏi cho ra lẽ.

Anh bước những bước thong thả vào một buổi sáng mùa thu mát mẻ với niềm hoan lạc pha lẫn chút khắc khoải và bồi hồi. Chẳng ai nghi ngờ anh cả, anh nói đi du lịch miền quê để thay đổi không khí sau bao ngày làm việc mệt nhọc. Một lý do quá chính đáng.

Xe khách dừng và anh bước xuống một vùng quê với nhiều ngôi cổ tự. Một làn gió nhẹ chào đón anh – viễn khách chốn bụi trường. Cảm giác này thật dễ chịu, anh chưa bao giờ cảm thấy nhẹ nhàng và sảng khoái đến vậy, anh ngửi được mùi lúa mới trổ đòng, hương của một loài hoa dại nào đó đang hoà quyện đùa giỡn với cơn gió. Anh từng nhận được nhiều sự chào đón, có chăng cũng chỉ là sự giả tạm của những bó hoa và băng rôn, biểu ngữ chúc mừng trong cái ngày mà anh nhận giải thưởng khoa học. Gác lại thế sự, ta đến đây để tìm minh sư, tìm “chân lý”.

Đây là một vùng quê hẻo lánh, nhà cửa thưa thớt, khoảng mấy trăm mét mới có một ngôi nhà. Thấp thoáng sau rặng tre là hình ảnh uy nghiêm của những ngôi chùa, những ngôi bảo tháp. Uy nghiêm mà u tịch và cô liêu. Anh thành kính vào các ngôi chùa mà mình đi qua. Qua những lời thăm hỏi anh được biết chư vị cao tăng đã thị tịch và chỉ còn một vài vị đã vào sâu trong núi ẩn tu, để lại chốn hồng trần dư âm và pháp ngữ. Một sự tiếc nuối và ngậm ngùi đang lan toả trong anh. Ta đến đâu để có thể hỏi đạo đây?!

Anh quyết định đi sâu vào núi để tìm chân sư. Anh trải qua một buổi tối ở một ngôi chùa nhỏ. Trong chùa chỉ có một vị sư. Mà chẳng phải sư, nghe vị sãi già nói vị ấy sống cùng với thầy trụ trì lúc còn trẻ và được phép cạo tóc nhưng không chính thức xuất gia, ở vậy để giữ chùa từ khi thầy trụ trì vào núi ẩn tu cho đến bây giờ.

Nghe nói thầy trụ trì đã ngoài tám mươi và vào núi cách đây đã mười mấy năm rồi không thấy về. Một bữa cơm đạm bạc, một ít rau muống, một ít đậu phộng rang và một chén nước tương. Anh ăn một cách ngon lành, không giống như những món sơn hào hải vị mà anh đã từng anh. Nó giản đơn nhưng chứa đựng sự thanh thoát và đạo vị.

Khi ánh mặt trời vừa dẹp một lớp sương mù và phóng những tia nắng đầu tiên qua ngọn núi, anh lên đường. Anh băng nhanh qua những cánh đồng lúa mênh mông; mùi hương lúa mới phảng phất, gió thổi nhẹ làm những lá lúa rung rinh theo một vũ điệu như đã được viết kịch bản sẵn. Gió thổi, lúa đưa. Đâu đó thấp thoáng những người nông dân đang lom khom dưới ruộng, một vài người đi ngược chiều nhìn anh với vẻ ngạc nhiên. Bất chợt anh cảm thấy tự hào về chuyến đi của mình. Không biết nơi đến, cũng như đức Phật quyết chí ra đi nhưng không biết nơi đâu là chốn dừng, chỉ khi nào tìm thấy chân lý mới thôi.

Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Anh dừng lại và ngồi nghỉ dưới bóng của một rặng tre, nói đúng hơn là một dãy tre dài và sâu hút đến tận chân núi. Anh tiếp tục lên đường. Con đường sỏi đá và quanh co được “rào” bởi hai hàng tre xanh tươi và mát mẻ. Đi hết luỹ tre là có thể thấy những ngọn núi trùng trùng điệp điệp, nhưng vẫn mập mờ bởi mây che phủ. Con đường dường như khó đi hơn. Nó vắt vẻo qua một ngọn đồi nhỏ, để rồi khi đi qua đó là một cảnh tượng hùng vĩ hiện ra.

Trước mặt anh là cả một bức tranh mực tàu thời cổ của Trung Quốc. Núi liền núi, những dòng suối vắt qua các sườn núi để lại những vệt màu trắng như những nét chấm phá của hoạ sĩ thiên nhiên nhằm tôn vinh sự vĩ đại của núi đồi. Anh cảm thấy lòng mình khoan khoái và nhẹ nhàng, dành từng giây từng phút để tận hưởng cái trong lành và kì vĩ mà thiên nhiên ban tặng. Thế mà con người trần tục không biết thụ hưởng món quà tặng vô giá này!

Hơi đá, mù sương và mây quyện vào nhau làm xoá đi ranh giới giữa trời và đất. Tận hưởng cảm giác an lạc nhưng anh vẫn không quên mục đích mình đi đến chốn sơn cùng thuỷ tận này. Rảo mắt khắp bốn phương, anh không thấy bóng dáng của một ngôi chùa hay một am tranh nào cả. Hay tất cả đã về với quên lãng, chư Tổ đã phủi áo hồng trần để về miền Cực Lạc? Vòng qua một khúc quanh, anh bắt gặp một làn khói mờ đục bốc lên sau những cây tùng lâu năm. Chắc chắn có người ở. Anh tiến sâu vào rừng, đến nơi đã toả ra làn khói đó.

Khuất xa, sau những cội tùng già cỗi, ẩn hiện một túp lều tranh. Anh tiến nhanh lại gần căn lều đó, đúng là khói bay lên từ đây. Đây là một căn nhà nhỏ, mái tranh đã bị mục nhưng trông chắc chắn và gọn gàng. Trước sân là một bàn đá với bốn cái ghế nhỏ được làm bằng gỗ cũng đã mục. Tiến vào trong nhà, mùi hương trầm thoang thoảng và dễ chịu. Anh nhận thấy có ai đó đang ngồi bất động sau bức mành được kết bằng lá tranh. Không biết nghĩ sao, anh ra phía bên ngoài cái bàn và ngồi đó chờ đợi. Khoảnh khắc này làm anh nhớ đến sự cầu pháp của các thiền sinh mà anh đã được đọc đâu đó trong tiệm sách.

Ý niệm về thời gian hình như không còn tồn tại. Một phong cảnh hữu tình, không khí trong lành hoà quyện với mùi trầm làm tâm hồn anh khoan khoái. Giá mà thời gian dừng dừng lại. Tiếng chim lợn kêu làm anh bừng mở mắt. Trời đã ngã về chiều, những tia nắng cuối cùng của một ngày vẫn như đang níu kéo không chịu nhường chỗ cho màn đêm.

- Anh đã ngồi đây hơn hai tiếng đồng hồ rồi đó. Một giọng nói ấm và hơi khàn.

Trước mặt anh là hình ảnh của một vị sư già, quắc thước, nhưng trong ánh mắt rất có thần. Chắc hẳn một người có lực tu tập thiền định sâu sắc mới có ánh mắt đó.

- Kính bạch thầy, con là người từ miền xuôi lên với một mong ước duy nhất là tìm minh sư để hỏi về một số vấn đề mà con khúc mắc bấy lâu nay. Anh vào thẳng vấn đề và nói một cách tha thiết.

- Ra đằng sau rửa mặt rồi vào dùng cơm tối. Vị sư vừa nói vừa quay lưng bước vào trong.

Lòng anh cảm thấy một cảm giác lâng lâng khó tả. Anh nghĩ chắc mình đã gặp được minh sư, vậy là những gì mình quan tâm và thắc mắc bấy lâu nay sẽ được giải quyết.

Tối hôm đó, trời trong và xanh vô tận. Hai người ngồi đối diện nhau uống trà trong tĩnh lặng. Họ uống luôn cả cái tinh khôi và trong lành của khí trời. Anh không dám nói một lời nào, mặc dù trong anh còn ngổn ngang bao mối nghi ngờ.

- Con người do chấp trước vào cái thấy biết hạn hẹn của mình mà chịu nhiều khổ đau. Giọng sư đều đều – Họ cứ nghĩ rằng mình thông kim bác cổ, thấu suốt thiên hạ, ai ngờ những cái thấy, cái biết đó lại là sở tri chướng cho con đường đạo. Họ cứ ngỡ rằng mình đang sống hạnh phúc và sung sướng. Họ hưởng thụ và chìm đắm trong các cuộc hoan lạc của ngũ dục và bị nhấn chìm trong vũng bùn của tội lỗi.

Những lời lẽ đơn sơ nhưng mà nghe sao đầm ấm và ngọt ngào đến thế. Anh chợt rùng mình khi nghĩ đến những ngày vui chơi và hưởng thụ của bản thân ở chốn phồn hoa đô hội.

- Họ đâu có biết rằng lưỡi hái của tử thần bất chợt sẽ lấy đi tất cả, không hẹn mà đến. Sư tiếp – Ngũ dục ơi mi là chi mà bao nhiêu kiếp luân hồi rồi mà vẫn không chịu buông tha cho thế nhân, haha. Không phải, tự con người chìm đắm trong đó đấy chứ.

Nói đến đây sư nhìn anh với cái nhìn đầy thương cảm. Sư nói – Ta chỉ là một trong vô số chúng sinh đã chịu chi phối của ngũ dục trong vô lượng kiếp. Giờ đây mới thấy được chút ánh sáng và đang trên lộ trình đi đến đó. Con đường thì dài lại còn nhiều cạm bẫy, đã có vô số người đã đi lạc vào ác đạo, cảm thương thay!

- Cũng vì lí do đó con mới đến đây. Anh vừa nói vừa quỳ xuống tha thiết – Kính xin hoà thượng hãy nhận con làm đệ tử và hướng con về với chính đạo. Con cũng biết cuộc đời có rất nhiều mối nguy hiểm và cam go, cho nên sự hướng dẫn của hoà thượng sẽ là ánh sáng soi rọi cho con trên con đường hắc ám này.

- Ta là thầy thuốc, có tâm nguyện chữa căn bệnh trầm kha của nhân loại. Sư thở dài – Người đời hỷ nộ ái ố nhiều, dù có linh đơn diệu dược cũng đành đứng nhìn mà thương cảm, cái gốc âm dương thuỷ hoả kia là đầu mối của mọi vấn đề! Cho nên khi Bồ-tát quán thấy nó là không thì liền vượt qua hết thảy khổ ách và ung dung tự tại cùng tuế nguyệt.

- Chống gậy lên non khi chí thích
Mệt buông rèm trúc ngủ dường tre.

Một tràng cười giòn và to xé tan màn đêm dày đặc, u huyền và thâm viễn.

Anh không hiểu thâm ý của nụ cười đó, nhưng trong anh đã thắp sáng được rất nhiều điều. Mọi khúc mắc, nghi vấn trong anh như tan theo làn sương sớm trước ánh mặt trời. Anh cảm thấy ấm áp trong từng lời dạy của sư, nó lan toả khắp châu thân, xua tan mọi não phiền và đang dần dần đập vỡ cái khối kiến thức hàn lâm đã đóng thành từng cục lớn trong anh.

- Hãy ở lại đây cùng ta, ngắm hoa thưởng nguyệt, sống một cuộc đời vô phiền vô lo và khi nào thấy cái khối âm dương thuỷ hoả của mình đã được tự tại thì hãy vào đời mà dẫn dắt chúng sinh. Giọng sư chùng xuống – Còn nhiều cảnh lầm than lắm!

Chưa bao giờ anh có cảm giác hạnh phúc như vậy. Cuộc đời như một giấc mơ dài, lúc ẩn lúc hiện như trêu ngươi con người. Ta đã thấy mi rồi! Ta đã tìm ra được câu trả lời cho căn bệnh trầm kha của kiếp nhân sinh và ta sẽ rời xa mi, bỏ mi như bỏ một miếng dẻ rách! Haha, thật tuyệt!

Rừng núi vẫn cái vẽ âm u và huyền bí muôn thuở…
Read more...

Vu Lan: Lẽ sống, Tình người

0 nhận xét


Có những chiều thu nhặt lá vàng,
Nghe lòng tràn ngập nỗi miên man,
Chạnh nhớ ân sâu tình man mát,
Ôi lòng mẹ đó cứ thênh thang. 
Mỗi khi những làn gió thu dịu mát trở về, trời đất nhuốm màu quan san, nhìn từng chiếc lá vàng đơn độc đang cuộn vào hư không mênh mông vô tận, nghe tiếng rỉ rích của những giọt mưa ngâu bên bờ sông xa vắng, có lẽ, trong chúng ta, ai cũng cảm thấy cõi lòng mình dấy lên một nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến kỳ lạ. Bâng khuâng bởi giữa vũ trụ bao la kia, thân phận mình sao quá bé nhỏ, tầm thường và mong manh; xao xuyến vì trong cõi cảnh túy sanh mộng tử này đời mình vẫn còn diễm phúc được sinh ra và lớn khôn trong bầu trời tình thương hiền hòa và trong mát của cha và mẹ.
Từ thuở còn nằm trong nôi, con thơ đã biết đến quê hương qua những lời ru ngọt ngào và tha thiết của mẹ. Những lời ru ấy tuy dung dị, nhưng đã gieo vào tâm hồn con thơ những ý niệm thật đẹp, thật đáng yêu về tình người và lẽ sống, nhen nhúm trong con hoài bão vào và hy vọng bình dị mà thiêng liêng, lắng sâu mà tha thiết. Trải qua bao năm tháng của đời mình, con thơ mới dần thấu hiểu được gì là quê hương, đâu là tình mẹ:
Quê nghèo có mái tranh xiêu,
Có con đò nhỏ sớm chiều đón đưa,
Có hoa cau, có bóng dừa,
Có người mẹ đã bạc phơ mái đầu.
Mẹ và quê hương, hai tên gọi dường như cách biệt ấy đã quyện vào nhau để nâng niu, nuôi dưỡng và đưa lối con thơ vào một thế giới kỳ hoa dị thảo. Quê hương có nắng sớm mai của trời xuân, có tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa trưa hè, có đàn cò thẳng cánh trên đồng lúa xanh, có những đêm trăng rằm thanh bình, êm ả v.v… tất cả những nét kiêu kì đó của tạo hóa sẽ trở nên vô vị, xa lạ nếu như nơi ấy thiếu đi hình bóng thân thương và lời ru ngọt ngào của mẹ.
Vào những ngày đông rét mướt, mẹ chống chọi với cái buốt giá của đất trời để con mình được ấm êm trong chăn gối. Những lúc gió xuân đến, dù thiếu thốn trăm bề, mái tranh nghèo hãy còn siêu vẹo, mẹ vẫn cố xoay sở cho con được chiếc áo mới để con không cảm thấy tủi thân với chúng bạn xung quanh. Mẹ yếu đi để con vạm vỡ, mẹ già đi để con khôn lớn. Từ khoảnh khắc tinh mơ cho đến đêm khuya tĩnh mịch, suốt bốn mùa luân chuyển của đất trời, mẹ dãi dầu trong nắng mưa, nhẫn chịu trong gian khó, dành cả tuổi thanh xuân, hy sinh trọn đời mình để đổi lấy một thứ rất tầm thường trong cuộc sống: nụ cười của con. Nụ cười ấy là niềm vui của mẹ, một niềm vui thật bình dị nhưng cao quý biết bao.
Có lẽ chính nét cao thượng của tình thương đó mà hình tượng người mẹ đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong nhiều nền văn hóa của loài người và hiếu hạnh được xem là một trong những đức tính cao đẹp nhất để thẩm định nhân cách mỗi người, đặc biệt là trong văn hóa Á Đông.
Truyền thống cổ xưa của Ấn Độ cho rằng một vị thầy tâm linh bằng mười vị thầy thế tục, một người cha bằng một trăm vị thầy tâm linh, nhưng một người mẹ thì bằng một ngàn người cha, người nào đền đáp được công ơn của cha mẹ chính là người cao thượng trên đời này. A-dục vương, vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử cổ đại Ấn Độ đã từng sắc chỉ cho khắc những lời giáo huấn của đức Phật cho những thanh niên Licchavi trên tấm bia Brahmagiri như sau: “Mẹ, cha và các vị thầy cần phải được chăm sóc chu đáo, lòng từ bi phải được ban trải đến khắp chúng sanh, chân lý phải được tuyên thuyết rộng rãi cho mọi người… đây là những phẩm tính tự nhiên tự ngàn xưa, chúng là cho cuộc sống được trường cửu và mọi người cần phải kính cẩn tôn thờ.” Đạo lý thờ cha kính mẹ vốn đã là một nguyên lý sống rất thực, rất gần gũi với những trái tim nơi xứ sở văn hóa lâu đời ấy.
Đối với người Trung Quốc, hiếu hạnh được xem là một đức tính cụ thể nhất để đánh giá nhân cách của một con người. Họ trân trọng Hiếu kinh, họ ngưỡng mộ những tấm gương hiếu hạnh. Bàng bạc trong văn chương trí thức hay bình dân, chúng ta thấy tấm gương một Vương Tường vùi mình trong băng lạnh để hơi nóng làm tan băng hầu bắt cá đem về nuôi mẹ, một Ngô Mãnh chỉ mới tám tuổi ngủ không mặc áo, chịu bị muỗi đốt để cha mẹ được ngủ yên…Khổng Tử thì không ngớt lời khen ngợi những người chí hiếu, Mạnh Tử thì luôn nhắc đến mẹ trong nỗi niềm khôn khuây. Ngài Tông Mật, vị tổ thứ năm của Hoa Nghiêm tông trong Phật giáo Trung Quốc đã từng viết rằng: “Từ thuở hỗn mang của vũ trụ cho đến ngày nay, có một nhân tố thấm nhuần cả đất trời, hợp nhất người và thần, nối liền giữa kẻ cao sang và người nghèo khó, được hàng tín đồ Khổng, Thích tôn sùng, nhân tố ấy không gì khác hơn là đạo hiếu.”
Con người sinh ra trong cõi đời này không thể chỉ biết sống với bản năng, dục tính hay chạy theo một tham vọng viễn vông, xa lạ nào đó để rồi đời mình bị chôn vùi trong lo sợ, khao khát và khổ đau. Sự cao thượng hay thấp hèn của mỗi người đều tùy thuộc vào nhân cách, phẩm hạnh của người ấy. Nhân cách hay phẩm hạnh ấy được hiệp thành không chỉ từ mỗi hành vi, lời nói mà ngay cả từ những ý niệm vi tế trong tâm thức của họ. Sống là phải hiểu đạo lý, là phải biết vươn lên theo ánh sáng chân lý của cuộc đời. Cha mẹ là hiện thân của lẽ sống, của tình thương, là một nguồn hạnh phúc cao quý nhất trên thế gian này. Thờ ơ với cha mẹ, chúng ta đã vô tình bị vuột mất khỏi tầm tay một cơ hội hy hữu, quí giá mà sau này ta sẽ không tìm được ở bất cứ nơi đâu hay bất cứ lúc nào trên trần gian này. Mỗi giây phút, mỗi sát na của thời gian cứ thoáng qua thật mau, lắm lúc con tỉnh ngộ lại thì hỡi ôi đã quá muộn màng, còn đâu nữa lẽ sống và tình đời, còn chi nữa hạnh phúc và thương yêu. Bài thơ quạ hiền mất mẹ đã phần nào diễn tả nỗi niềm thống thiết của người con khi mẹ qua đời:
Từ ô thất mẫu,
Á á hổ ai âm,
Triêu dạ bất phi khứ,
Chung niên thủ khố lâm…
Tích hữu Ngô Khởi giả,
Mẫu một tang bất  lâm,
Ta tai tư đồ bối,
Kỳ tâm bất như cầm.
Quạ hiền bị mất mẹ, tiếng kêu thật thảm thiết bi ai, suốt ngày chẳng chịu bay đi và trọn năm quanh quẩn trong rừng cũ, nơi mà mẹ mình ngày xưa thường sống… Xưa có một người tên Ngô Khởi, mẹ mất nhưng chẳng chịu về thọ tang, thương thay cho bọn người như thế, tâm họ đâu bằng tấm lòng của loài cầm thú nơi rừng sâu. Xem thế cũng đủ để biết rằng, tình mẫu tử là một thứ tình thật thiêng liêng luôn âm ỉ trong từng nguồn mạch cơ thể của vạn triệu sinh linh trên trần gian này.
Trong đạo Phật, hình tượng người mẹ luôn là biểu tượng tỏa sáng của tâm nguyện, nhân cách và sự hy sinh. Tình thương của mẹ gồm thâu cả bốn loại tâm vô lượng: từ, bi, hỉ và xả. Khi biết mình thọ thai, người mẹ cảm nhận niềm vui của tâm từ. Dầu chưa hình dung được hình dáng con mình, mẹ vẫn luôn muốn bảo bọc, nâng niu con. Khi con cất tiếng khóc chào đời, một tình thương con dấy lên trong lòng mẹ, mẹ muốn xoa dịu và chia sẻ nỗi đau của con. Lúc con bắt đầu biết bò, biết đi, biết cười, biết nói, mẹ cùng hoan hỉ với niềm vui của con. Khi con lớn lên, tiếp xúc với cuộc đời, ra đi theo ước vọng riêng, mẹ nâng cánh con bay vào cuộc đời, không ôm giữ con cho riêng mình.
Tình thương của mẹ như thế không bao giờ làm tổn thương mà trái lại còn bồi đắp cho tâm hồn và thể xác của con. Vào mùa hạ, có những cơn mưa rào ào ạt đổ về làm cho mặt đất tinh khôi kia bị xói mòn, loang lổ, cuốn trôi những lớp phù sa màu mỡ trong lòng đất. Tình thương của mẹ không ào ạt, hồ hởi như những cơn mưa rào kia mà trái lại nó giống như cơn mưa râm âm thầm, rỉ rích, thấm sâu vào lòng đất, vào từng tế bào, từng mạch máu của con, xoa dịu những niềm ray rức của đời con, mang đến cho con một niềm tin về lẽ sống cuộc đời.
Đức Phật dạy rằng cha mẹ là những vị thầy đầu tiên và cũng cao cả như Phạm Thiên, vị thần cao tột nhất trong huyền thoại Ấn Độ, do vậy người con phải luôn tưởng nhớ đến những thâm ân cao cả của cha mẹ mình. Văn học Phật giáo có kể lại rằng vì cảm niệm thâm ân của mẹ, đức Phật đã đến cung trời Đao Lợi, nơi mẹ mình thác sanh sau khi lìa đời, để giảng pháp cho mẹ. Ngài cũng giảng pháp cho cha, giúp phụ vương liễu ngộ chân lý để thoát khỏi vòng luân hồi.
Theo Phật giáo, trên đời này có ba loại người con, đó là: người con kém hơn cha mẹ về mọi mặt (Avajata); những người con có cùng khả năng như cha mẹ (Anujata); và những người con siêu việt cha mẹ mình (Atijata). Nếu người con biết sống hướng thượng, vượt hẳn những khả năng của cha mẹ thì đó là một niềm tự hào cho gia đình, bằng không người con phải cố noi gương cha mẹ chứ đừng bao giờ có điều gì yếu kém hơn cha mẹ vì đó là một điều tủi hổ cho mình và gia đình mình.
Người con phải biết ơn cha mẹ mình, phải chăm sóc họ thật chu đáo. Nếu cha mẹ có làm gì sai, con cái phải giúp cha mẹ từ bỏ những tà nghiệp đó, và phải khuyến hóa cha mẹ làm các việc lành. Nếu cha mẹ không có chánh tín thì con phải làm sao để gieo niềm tin chân chánh trong lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ vô luân, người con phải khuyên cha mẹ sống theo luân lý đạo đức. Nếu cha mẹ không được học hỏi những lời giáo huấn quí báu thì người con phải tạo điều kiện cho cha mẹ. Nếu cha mẹ không rộng lượng, người con phải khuyên họ độ lượng. Nếu cha mẹ không hành thiền để tăng trưởng tuệ giác thì người con phải khuyến khích họ hành thiền. Nếu cha mẹ đang theo con đường thuần thiện thì người con phải theo gương họ. Làm được như vậy, người con đã báo ân cha mẹ mình một cách ý nghĩa nhất trong cuộc đời này.
Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật thường khen ngợi những người biết ơn và biết  báo ơn một cách chân chính. Ngài dạy rằng người biết ơn là hạng người hy hữu trong đời này: “Này các Tỳ-kheo, sự xuất hiện của ba hạng người trên thế gian này thật là hy hữu. Những gì là ba? Sự xuất hiện của đức Như Lai, bậc A La Hán, bậc Chánh Đẳng Giác trên thế gian này thật là hy hữu; cũng vậy, người có thể tuyên thuyết pháp và luật mà đức Như Lai đã dạy; và người luôn chánh niệm, biết ơn thì thật là hy hữu trên thế gian này.” Ngài còn dạy rằng một người cao thượng là người biết ơn và luôn ghi nhớ công ơn mà mình đã nhận từ người khác. Biết ơn và chánh niệm là những đặc điểm của một người cao thượng.
Trong hàng đệ tử của đức Phật, tôn giả Xá-lợi-phất là một người con hiếu trí kiêm toàn. Khi biết thọ mạng của mình không còn bao lâu nữa, Tôn giả liền xin phép đức Phật được trở về thăm lại và nhập diệt tại quê nhà. Từ lâu mẹ Ngài vẫn còn tin theo Bà-la-môn giáo, dù gia sản đồ sộ, bà vẫn không quen thực hành hạnh bố thí, cúng dường và tu tập theo chánh đạo. Khi trở về quê, Tôn giả thị hiện bệnh tật, Đế Thích và các thiên chúng khác đến vấn an, mong được hầu hạ, nhưng Tôn giả từ chối vì rằng xung quanh Ngài đã có nhiều pháp hữu chăm lo. Sau khi chư thiên từ giã Tôn giả, bà Xá-lợi liền vào hỏi thăm và được biết rằng trong số chư thiên đó có cả người mà mình đang tôn thờ: trời Đế Thích - một chúng sanh đang còn trầm luân, trí tuệ và đạo lực kém xa con mình. Bà vô cùng bất ngờ và sự kiện đó đã chuyển hướng cuộc đời của bà theo Chánh pháp.
Hạnh hiếu là thánh hạnh của tôn giả Xá Lợi Phất, là Bồ-tát hạnh của Bà-la-môn nữ-tiền thân của đức Địa Tạng Vương (Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện), là Phật hạnh của Thiểm Tử- tiền thân của đức Phật Thích Ca (Kinh Bổn Sanh, Phật Thuyết Bồ Tát Thiểm Tử Kinh).
Gương hiếu của Thiểm Tử được đề cập khá nhiều trong các tác phẩm văn học Phật giáo Trung Quốc và là một mẫu chuyện rất cảm động về đạo hiếu. Nội dung mẫu chuyện ấy như sau:
Có một vị Bồ-tát du hóa trong nhân gian, Ngài gặp một đôi vợ chồng già nua, mù loà và không có con cái. Cả hai vợ chồng đều có ước nguyện vào rừng núi để sống gần gũi với thiên nhiên hoang dã, dành thời gian còn lại trong đời mình để tu niệm thân tâm. Vì sợ rằng đôi vợ chồng già ấy sẽ gặp bất trắc trong rừng sâu nên Bồ-tát bèn tái sanh trong gia đình ấy để chăm sóc cho họ. Khi sanh được một cậu con trai, hai vợ chồng vô cùng sung sướng và đặt tên con là Thiểm Tử. Lớn lên Thiểm Tử rất mực ngoan hiền và chăm sóc cha mẹ mình thật chu đáo. Năm tháng trôi qua, cha mẹ của Thiểm Tử đã quên đi ý nguyện ban đầu. Một hôm Thiểm Tử nhắc lại cho cha mình ước muốn ngày xưa và chàng hứa rằng sẽ hầu hạ cha mẹ chu đáo nếu họ thích vào rừng sâu. Nghe lời hứa của con, đôi vợ chồng bèn bán tất cả gia sản và cùng vào chốn thâm sơn. Tại nơi trú ẩn mới, Thiểm Tử cất một gian nhà tranh, giăng giây khắp nơi để hướng dẫn lối đi cho cha mẹ và vẫn chăm sóc song thân một cách chu đáo như thuở trước. Gia đình Thiểm Tử sống chung với muông thú xung quanh, làm bạn chim chóc của núi rừng.
Khi mùa xuân đến, mỗi lần đến hồ lấy nước, Thiểm Tử thường choàng áo da hươu vì chàng không muốn làm khuynh động các loài thú bên hồ. Sáng hôm đó, quốc vương xứ ấy đi săn trong khu rừng nơi Thiểm Tử đang sống. Thấy một đàn hươu bên hồ, nhà vua bèn vội vàng giương cung, một con hươu gục ngã bên dòng nước. Nhà vua vui mừng thúc ngựa đến bên hồ nước, nhưng đau xót thay con vật bị trọng thương kia lại là Thiểm Tử. Nhà vua sửng sốt và hỏi Thiểm Tử vì sao lại mặc áo da hươu. Thiểm Tử thuật lại mọi chuyện và nói rằng suốt bao năm qua, chưa có một con thú nào làm hại đến mình mà giờ đây, chàng lại trúng tên độc của một đồng loại. Nếu chàng chết đi thì cha mẹ cũng không thể sống được vì không ai chăm sóc cho họ. Trong lúc cái chết đang đến gần người con đức hạnh và hiếu thảo, dông tố và mưa gió ào ạt nổi lên khắp nơi, chim muông đều kêu la thảm thiết. Nhà vua vô cùng lo sợ và hối hận rằng vì một chút vui thú, mình đã hại đến một người con hiếm thấy. Song Thiểm Tử tâu với vua rằng đây là nghiệp quả của mình chứ không phải lỗi của nhà vua, điều mà chàng lo nhất là hai đấng song thân không có người phụng dưỡng. Cảm động trước tấm lòng chí hiếu của Thiểm Tử, nhà vua hứa sẽ chăm sóc cha mẹ chàng chu đáo nếu như chàng qua đời. Thiểm Tử chỉ đường cho nhà vua đến am tranh và trút hơi thở cuối cùng.
Khi hay tin dữ, cha mẹ Thiểm Tử đau đớn vô cùng, họ mong được sờ  lên thi thể người con yêu của mình. Người cha ôm đôi chân và bà mẹ thì tựa đầu con vào lòng. Sau đó bà lại liếm vết thương, hút chất độc ra và mong rằng con sẽ sống lại dù mình phải hy sinh. Trong cơn đau đớn tột độ, hai vợ chồng bèn lập lời thề rằng nếu Thiểm Tử là một người con chí hiếu thì chất độc kia sẽ tan biến, con mình sẽ sống lại. Lời thề ấy cảm thấu đất trời, mũi tên bỗng bậc ra, chất độc tan dần và Thiểm Tử sống lại.
Thiểm Tử là hiện thân của một người con chân chính, luôn hướng cha mẹ mình về một đời sống hướng thượng. Người con như thế quả là một nhân duyên lớn, là thiện tri thức để cha mẹ có thể thăng hoa nhân cách và đạo nghiệp của mình.
Vào ngày rằm tháng bảy, người ta thường về chùa để cầu nguyện cho mẹ cha, để dự lễ Bông Hồng Cài Áo, đó là những nghĩa cử thật cao đẹp và ý nghĩa để người con có thể sống với cha mẹ bằng trọn trái tim nhiệt thành của mình. Nguồn hạnh phúc tinh thần đó thật dung dị nhưng lại vô cùng thâm thuý và thiêng liêng, không thể đánh đổi bằng vật chất giả tạm của thế gian. Áo em cài một đoá hoa hồng, cõi lòng em trào dâng một niềm vui sướng vì đời mình vẫn còn có mẹ. Đôi khi người ta thường gắn thêm một chiếc nơ bên dưới bông hồng để làm biểu tượng cho cha, cha còn là nơ xanh, cha mất là nơ trắng. Thật bất hạnh cho những ai bỗng cảm tủi thân khi người ta cài lên áo mình một đoá hoa trắng, nơ trắng. Làm sao có thể nói hết được tâm sự của người cài hoa trắng, một tâm sự đơn côi, trống vắng, như bầu trời đêm không một ánh sao, như một ngày buốt giá không một tia nắng rọi về.
Nếu là người được cài hoa hồng, nơ xanh, bạn hãy vui lên, hãy đặt trọn niềm tin vào những ước vọng tươi sáng của mình vì bên cạnh bạn, trong trái tim bạn vẫn còn hiện hữu một dòng suối tình thương thật trong mát và ngọt ngào, một nguồn động viên thật mạnh mẽ, thâm sâu. Giữa những đa đoan của cuộc sống, bạn nên dành cho mình những giây phút trầm lắng để tiếp xúc với song thân, nhất là khi làn da mẹ trở nên nhăn nheo, khi từng sợi tóc của cha đã nhuốm bạc, khi vẻ đẹp của mẹ trong tuổi thanh xuân không còn nữa. Chính những khoảnh khắc đó, bạn thực sự sống với cha mẹ bằng niềm tri ân chân thành và ý nghĩa nhất. Có như thế, thì dẫu mai sau, dù sống ở phương trời nào đi nữa, dù đang vượt qua đoạn đường nào trong hành trình xa xăm của cuộc đời, bạn vẫn thấy trong trái tim mình, trong máu thịt mình một niềm an lạc miên trường, một tình thương và lẽ sống muôn phần cao quý.
Thích Đồng Thành
Theo loivesenno.com
Read more...

Những sợi sắc không ..

0 nhận xét
Thân tặng những người bạn trẻ với những suy tư, băn khoăn về hướng đi, về cuộc đời.
Đêm, có ánh trăng vàng
ngủ say trên mây xanh
gió đưa khẽ cành lá
rơi xuống hồ tâm thanh

từng sóng nhỏ mong manh
lan man khắp mặt hồ
trăng vỡ nằm trên nước
quên trở về bờ tâm

có người theo lối nhỏ
rong ruổi vạn đường xa
phong trần dày mái tóc
hỏi bến bờ là đâu ?

ta đi gom nhặt trăng
vớt từng cơn sóng nhỏ
theo ta vào hơi thở
để vầng trăng trở về…
Vũ trụ hình như đang chuyển mình bằng biết bao nhiêu biến cố dồn dập xẫy đến cho con người, từ thiên tai, sóng thần, động đất, băng lỡ xen lẫn với những biến động do nhân tai gây ra, chiến tranh, nghèo đói, bạo động bừng bừng sát khí, sôi sụt ở khắp mọi nơi. Không nơi nào là an toàn. Nhìn những diễn biến xẫy ra, mọi người đều ngao ngán, băn khoăn, lo lắng và chợt hỏi rằng đời sống nhân loại rồi sẽ đi về đâu?
Đời sống quả thật bất định, vô thường, mà nhiều khi chúng ta chạy theo lối nhỏ, quên mất đường về để cho mảnh trăng vỡ vụn trên trên vạn nẻo đường sương gió. Một cơn gió đã làm cho trăng rơi, trăng vỡ, trăng lan man trên từng sóng nước, trăng lặng lờ xao xuyến, đưa tay réo gọi, chờ đón để trở về với ánh sáng tỏ trong cõi tâm đã bao lần bất an.
Những chiếc lá bàng bạc bay trong gió, rơi nhẹ nhàng trên mảnh đất của tâm, lay động, khi vóc lên nhìn thấy sự có mặt của vô lượng trần sa, hoa đốm trong cõi mộng. Đời là những nối tiếp của vô vàn cơn sóng, thịnh nộ, cuồng phong, nhịp nhàng, tung tăng, bay nhảy như những mảnh đời trôi qua, có mặt, biến hoá... để khó tìm thấy đâu là bờ bến.
Những diễn biến chung quang làm chúng ta lo sợ, tìm nơi ẩn náu trong những ảo tưởng để che lấp đi những hoang vắng, cô đơn, mất niềm tin vào cuộc sống, mất hướng đi tương lai, vì cảm thấy trước mặt dày đặc, mịt mù không thấy lối, nên cố sống để thoả mãn những trạng huống tâm sinh lý bị suy sụp của chính mình.

Em từng đổ tuổi xanh trong men rượu
nhìn tương lai như giọt đắng cà phê
gào thét lên giữa ánh sáng lập loè
ôi khói thuốc đốt đời vào hoang tưởng

mắt xa dại, bốn bề như tắc lối
trong tâm hồn dày đặc nổi ưu tư
mơ tìm về vườn bến mộng năm xưa
con thuyền bé chở đời trôi sóng biển

em hỏi tôi, đường nào là êm vắng
con đường nào có đồng có xanh tươi
con đường nào, có ánh nắng dịu dàng
có chú bé thả diều trong mơ mộng

vội vàng chi, chỗ ngồi em còn đó
con đường nào chẳng đẹp những ước mơ
hãy bỏ lòng hoài vọng những xa xăm
nghe hơi thở chở em vào tâm rộng

ở nơi đó, cánh diều là hơi thở
những ước mơ chẻ nhỏ các vọng trần
em còn đó bao mùa xuân êm ấm
khi mở lòng chào đón giọt dương chi

mỗi ánh mắt em chở đầy từ ái
ngôn ngữ xưa còn lại những sẻ chia
đời vẫn cần em như sóng và nước
em trở về trong biển giác từ bi…
Khi ánh mắt đã đượm màu sương gió, thân thể rã rời theo năm tháng, để rồi những thao thức về cuộc đời xuất hiện như đã bao lần qua, nhưng cơn say của men chiến thắng khi thấy mình thành công, của cải phong nhiêu và bao sở hữu khác, nên cố bám víu để cảm thấy mình hiện hữu, có mặt. Nhưng tự trong tâm vẫn ray rức về sinh tử, về kiếp người và rồi đây, cuộc đời nầy đi về đâu?
Những câu hỏi vẫn hằn nguyên theo năm dài tháng rộng, vẫn là các ẩn số chưa hồi đáp, hỏi để nhận thức được ý nghĩa của  đời sống, của các pháp, của muôn sinh vật rất ngắn ngủi trên trái đất nầy và sẽ không có gì tồn tại mãi và để chúng ta chiêm nghiệm sự ảo hoá, vô thường, để rồi phải làm gì để cho cuộc sống có ý nghĩa chân thật, thú vị và giá trị, hữu ích để cho bước chân đi trên trần gian thong dong, tích cực, tươi sáng, thanh thản.
Không phải cứ đặt vấn đề về đời sống vô thường, để rồi vô tình tạo cho mình sự chán nản, bất mãn, lo lắng… nhưng, đó là điều thực tế, hiển nhiên mà mọi người đều trải nghiệm, trực diện, sống thực, nhận thức tinh tế rõ ràng, về Khổ (dukkha) trong Thánh đế thứ nhất của Bốn Thánh Đế,
Con đường là do mỗi người tự chọn, và hạnh phúc hay an lạc, bất hạnh cũng là do chính mình quyết định cho chính mình. Điều đó không nằm ở ngoài, trên những sở hữu vật chất, trên những tài sắc danh thực thụy, trên các pháp duyên hợp, vì tất cả đều là ”sở tri chướng” có thể làm cho chúng ta bị vong thân, luân chuyển trên các nẻo đường sai lầm, đánh mất ngay chính mình, khi bám víu, chấp trước.
Sinh ra trong cuộc đời, nào ai biết để chọn trước nơi mình sẽ sinh ra, nơi quốc gia đến, và cha mẹ là ai v.v… mà đều do nghiệp lực, nghiệp duyên được tạo tác của quá khứ ảnh huỡng đến, đưa đẩy, do nhân trổ ra quả, đó là điều hiển nhiên. Luật nhân quả lý giải rõ ràng, để chúng ta nhận thức được mọi hiện trạng của con người trên quả đất nầy, khoan nói đế những cảnh giới khác.
Mỗi con người đều có phước báu hoặc nghiệp lực riêng biệt (biệt nghiệp) để có hình hài, thể xác, hoàn cảnh, đời sống khác nhau… dù sinh trong cùng cha mẹ, gia đình, hay cùng một quốc gia và cha mẹ là cội nguồn đầu tiên để thiết lập những liên hệ tương duyên tương sinh giữa con người với con người, giữa con người với môi trường chung quanh v.v…
Khi trưởng thành, có sự nhận thức, hiểu biết, học vấn…bất cứ người nào cũng đều mong muốn đời sống hạnh phúc, giàu sang, phú quí, danh vọng, nhưng nhiều khi, sự ước vọng của mình là một lẽ, nhưng sự hoàn thiện con đường đi mục đính đó lại bị đổi đến một hướng đi khác, đều do nơi nghiệp lực đẩy đưa vào những hoàn cảnh hay những sự việc không như ý. 
Chúng ta có quyền chọn hướng đi của mình trên cuộc đời nầy, vì mình có tự do để chọn lựa, sống sao cũng là một đời sống. Có thể với đích điểm là học vấn, là giàu sang, là danh vọng, là tiền tài như lẽ thường mà ai nấy đều cho đó là thành công, hạnh phúc trên thế gian nầy hoặc là sống hoang phí cuộc đời để sống bê tha, trụy lạc, chán nản.
Nhưng, trong con người của chúng ta là do cha mẹ sanh ra, nên trong cơ thể, tinh thần của ta cũng hàm chứa có mặt của tổ tiên, có những liên hệ chằng chịt với quá khứ nguồn gốc và ảnh hưỡng đến tương lai. Đánh mất chính mình trong những ảo tưởng phù du cũng là đánh mất cả biết bao nhiêu sự liên hệ, và hoàn thiện chính mình là đền đáp ân sâu nghiã nặng của tổ tiên, cha mẹ v.v…

hỏi từng giọt sương
sương từ đâu có
hỏi cả cuộc đời
còn mãi hay chăng

hỏi từng hạt cát
em sống vì ai
hỏi đến bốn mùa
sao mãi tìm nhau

hỏi nụ bé thơ
bao giờ em nở
hỏi cả vui buồn
sao đến rồi đi

hỏi ánh trăng vàng
đêm đêm thắp sáng
hỏi đến tâm mình
đã thắp sáng chưa?
Muốn sống cuộc đời có ý nghĩa chân thật, người thức giả đều tìm con đường trở về, sau khi bừng tĩnh cơn mộng. Con đường trước mặt quá mênh mông, khi mà suốt những năm trường, ta đã ươm bồi bao ngã chấp, dính mắc, sở hữu; nhìn lại sau lưng, cảm thấy chỉ còn là những hư ảo cuộc đời, có đó mất đó, vinh đó nhục đó … nên gây những nổi bất an, hoãng sợ. Ta nhìn lên bầu trời, trời vẫn trong xanh, nhìn đến chung quanh, cuộc đời vẫn tuần tự đi qua, dù ta có kêu gào, than van hay khóc lóc.
Ta cúi đầu trên mặt đất, đất vẫn mỉm cười hiền hoà, an nhiên dưới bước chân, dù trong trong ta đang trút bao cảm xúc vui buồn tuôn xuống…nụ cười của đất vẫn bao dung, hiền hoà, nhẫn nhực. Thời đại nào cũng đều có những vấn đề của thời đại đó.
Tuổi trẻ tôi cũng từng mang tâm trạng bâng khuâng như bạn, buồn nản, chán chường, bi quan v.v, nhiều khi muốn buông rơi cuộc đời, vì chẳng biết phải làm sao, trước bao nhiêu là vấn nạn dồn đập đến cho chính mình, bạn bè, người thân, chung quanh, đất nước…Ai đã từng kinh qua những xáo trộn của nội tâm, của đời sống, khi cảm thấy cô đơn, lẻ loi, dù là chung quanh có bao nhiêu con người đang có mặt, sẽ hiểu được sự nổi loạn của tuổi trẻ qua những cảm thọ bung xung nhất thời…
Đau chứ, buồn chứ, khổ chứ, vì đó là cảm thọ do tâm xuất hiện, không ai phủ nhận được. Trong bài thơ năm nào, tôi có viết rằng…

Có nhiều khi,
ngắt vài cọng cỏ
ta hỏi cỏ rằng,
khi lìa thân mình
còn có đau không?


Không ai có thể nói rằng, cỏ sẽ không đau, không oằn mình trong cảm xúc, nổi đau, chịu đựng không lên tiếng, huống chi là con người với thân năm uẩn. Nhưng tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất, như cánh đồng xanh bát ngát nhiều màu mỡ cung cấp cho cuộc đời và tuổi trẻ mang nhiều lý tưởng để có thực hiện các ước mơ cho đời sống, cho con người.
Chúng ta cần làm đẹp cho tâm hồn chính mình, dấn thân làm ích lợi cho gia đình, cho xã hội và con người cần đến tâm lòng tươi mát, nhiều tâm tư trong sáng, chia sẻ, không thành kiến, không ủy mị, ít cố chấp, ít ích kỷ  … của tuổi trẻ.
Cho nên, chúng ta cần phải vươn lên trước những nghịch cảnh, không thể để mình gục ngả trong những thường tình của đời sống, trụy lạc, đánh mất hướng đi, lý tưởng. Giữa những áp lực, những căng thẳng, hoang mang, khủng hoảng về cuộc đời, cuộc sống, tôi may mắn bắt gặp được đạo Phật và tìm đến, tiếp cận với nguồn giáo pháp vi diệu của Ngài, không phải để mong được che chở, ban ân, ẩn thân trong những ảo tưởng nào đó, nhưng để học hỏi, thực hành và chuyển hoá tâm mình để có thể an bình, làm quân bình, tự tại phần nào trước những dữ kiện bấp bênh, vô thường.
Một lần đọc trong Kinh Pháp Hoa, phẩm thứ 15 ”Tòng địa dũng xuất”, như mở rộng ra một chân trời sinh động, giúp cho những ai thao thức, băn khoăn trên con đường trở về có được nhận thức rõ ràng lời Phật dạy.
"Khi các vị Bồ tát ở các cõi khác xin phụ giúp đức Phật giáo hoá chúng sinh trong cõi Ta bà, đức Phật từ khước và nói rằng ở cõi Ta bà có đủ các Bồ tát đông như số cát sông Hằng, sẽ có khả năng gìn giữ ….. Phật vừa nói xong, trong ba ngàn đại thiên quốc độ ở thế giới Ta bà, đất đều rung nứt và từ trong lòng đất, vô lượng ngàn muôn ức Bồ tát đồng thới vọt lên, thân như vàng ròng, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, ánh sáng khôn lường, trước kia trú trong hư không chỗ thấp nhất ở htế giới Ta bà, nay nghe tiếng của Phật Thích Ca, nên từ chỗ thấp ấy mà phát hiện đến….” (*)
Chúng ta thường quan niệm rằng, cần phải nương tựa vào người khác để giúp cho mình được an lạc, hạnh phúc như cầu sự ban ân cứu độ. Nhưng đức Phật dạy rằng "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” để mở tâm, thể nhập tâm và sống chính với cái tâm trong sáng, thanh tịnh của chính mình, đó nguồn suối tuệ giác, tinh khôi.
Ví nếu chúng ta cần cầu nơi tha nhân, nơi bất cứ quyền năng nào, nhưng khi tâm ta bất an, đau khổ, không chuyển hoá được những nội kết do chính mình tạo ra, thì không ai có thể chuyển hoá, ban phép lành để cho bạn an lạc, vui tươi được. 
Cho nên, vì nhìn ra trong mỗi con người đều có Tánh Phật, đức Phật chỉ rõ con đường trở về Tâm Giác ngộ, và đó là của chính mỗi người và do bước chân của mỗi người bước đi, sống với, trở về.. Đất ấy là tâm, Đó là kho báu vô tận của tâm (vô tận tạng) đầy đủ tuệ giác, đức hạnh, đức tướng mà mọi người đều có sẵn trong tâm.
Có phải là chúng ta có quá nhiều hạnh phúc khi được làm con của đức Phật, vì đức Phật đã chỉ rõ tận tường con đường trở về, trực tâm, thực dụng và giá trị nhân bản. Từ lời dạy của đức Phật, qua giáo pháp vi diệu xuất phát từ tâm vô lượng từ bi, trí tuệ của Ngài, chúng ta có quá nhiều phương dược đối trị tuy tưởng như đơn giản, nhưng thần hiệu để làm giảm thiểu khổ đau, bất hạnh của nội tâm, và giải toả những áp lực của thành kiến, nội kết trong tâm.
Lòng ích kỷ sẽ cúi đầu khi tâm từ được mở rộng, tham chấp được giảm thiểu khi thực hành hạnh bố thí, giúp người. Lòng thù hận, ganh ghét bị khuất phục bởi tình thương con người, vì là con người- ai cũng mưu cầu hạnh phúc, tránh khổ đau.
Cuộc sống bấp bênh, đau khổ, vị kỷ, hướng theo dục lạc được chuyển hoá bởi năm giới chuyển hoá làm người nhân bản, như: không sát sanh, gây hại cho người và vật, không tham lam trộm cắp làm thiệt hại tài sản của người khác, không tà dâm, không nói dối, nói lời gây hại, chia rẻ cho người, không dùng những loại kích thích như rượu, thuốc …
Tất cả chỉ vì mục đích duy nhất hoàn thiện con người của chính mình, và từ đó, sẽ đem lại cho cuộc sống an lạc, tự tại, bình an phần nào trước những xáo trộn, những gió nghiệp, những tám ngọn gió chướng thổi đến …vì tùy thuộc vào sự thực hành, áp dụng những giáo pháp được đến đâu, như bầu trời không mây, trăng sẽ sáng tỏ, để chúng ta có thể vững chải trong đời sống vô thường, ngắn ngủi nhưng đầy bất trắc của thế gian nầy.
Từng giọt dương chi của giáo Pháp luôn luôn là nước cam lồ tưới tẩm cho tâm hồn chúng ta để trưởng dưỡng Tánh Phật nơi tâm…

nhành dương rải như tấm lòng biển cả
bao năm trường ôm ấp cả tuổi thơ
em hãy đến, nâng niu lời cam lộ
bước trở về với ngày tháng mênh mông

đừng hỏi đời sao có nhiều sóng gió
đừng hỏi ai sao đau khổ chập chờn
hãy hỏi ta ngày tháng đã về đâu
cho ánh sáng từ bi  tràn ngập bước… 


Hãy trở về với Pháp thân trước khi đem ứng hoá thân trong cuộc đời, vì đó căn bản của con đường tâm linh, sống với bản thể thanh tịnh, trước những xáo trộn của  vọng tâm. Từ nền tảng của nội tâm sung mãn, đầy đủ đức tánh từ bi hỷ xả, thì con người, xã hội, thế giới sẽ khác đi nhiều trong ánh sáng vi diệu của giáo Pháp, tình thương sẽ chan hoà, sự đau khổ sẽ giảm thiểu, hạnh phúc đích thực sẽ có mặt trên hành tinh nhỏ bé nầy.
Chúng ta hãy cùng nhau ca hát lên khúc nhạc của đầu đời khi khởi thấm nhuần những hạt mưa Pháp, lúc sơ tâm, tìm thấy những sợi sắc không trong mỗi một bước chân in trên mảnh đất của tâm, để reo vui, mỉm cười, như con chim nhỏ rời xa khỏi lồng, thấy khoảng trời rộng mênh mông.
Buổi sáng có đi qua, trưa có về nắng gắt, đêm có dịu dàng như bàn tay ve vuốt cõi tâm, nhưng người lữ khách trên cuộc hành trình đi về, cũng bắt đầu từ chỗ đi về, đến đích điểm, cũng là nơi đến đi - đến và cánh sen hồng chợt nở giữa bao sóng gió, giữa bụi trần vinh nhục, giữa lửa lòng tịnh diệu, có phải đó là những sợi sắc không kỳ diệu trong cuộc nhân sinh, mà chúng ta trực nhận, sống với ... để từ đó, làm cho cuộc đời có ý nghĩa, tươi đẹp, thơm tho trong thế gian nầy.

Đêm đã khuya, tình ra đi vội vã
Trăng rụng dần, dấu vết hẵn mờ phai
con chim nhỏ, lồng son vi vu hót
một trăm năm, ai nhớ đến đi về

ngàn sao xưa đang trổ khúc nhạc trời
đời vắng những áng mây xanh buổi sáng
gọi gió về bao lớp sóng chân phương
cho ánh mắt nhìn nhau, lòng thoáng rộng

trời vào hạ, từng tiếng ve kêu gọi
phượng đỏ hồng, ngàn cánh mở xiêm y
mỗi cánh hoa, bỗng thấy trọn vô thường
đang ngự trị giữa bốn bề chân vọng

ta bé nhỏ giữa khung trời tỉnh lặng
nghe từ tâm vắng lặng vết thương đau
có ra đi để có lúc trở về
tâm vẩn nở muôn loài hoa thơm ngát...
Những ngày nằm bệnh, tịnh dưỡng vá quán chiếu đến những nổi đau của thể xác có mặt, hành hạ, tràn lan, có lúc nóng sốt, có lúc râm ran cả vùng bụng, có lúc làm cho con người khó chịu, mệt mỏi, tâm sinh lý bị xáo trộn, sụt cân …tôi lại cảm thấy thương xót và thông cảm cho nổi đau khổ của các con người khi lâm bệnh, dù biết rằng nghiệp báo ai cũng có.
Câu nói "tôi sẽ chết bất cứ lúc nào" lúc đầu nghe như xa lạ, nhưng ngày càng thấy gần gủi, thân thương như lẽ vô thường, sinh diệt của đời sống.
Ngoài những lúc lạy sám hối, thiền toạ, niệm Phật hàng ngày… cũng như những gì đã, đang làm qua các chương trình từ thiện xã hội vẫn duy trì, dù có tôi hay không, còn chăng là những đóng góp một chút nhỏ nhoi nào đó về tinh thần qua các bài viết, nếu như còn khả năng, để chia sẻ tâm tình trên bước đường tâm linh và tôi lại thấy sự gần gũi đức Phật trong tự tâm của mình, không còn lạc loài trên bước đường đi tìm kiếm..
Đức Phật luôn luôn hằng có mặt khi con người nghĩ đến, tương thông, tương nhập..
Thưa bạn, tôi không phải là thi sĩ hay nhà văn, vì vốn nội tâm nghèo nàn, cằn cỗi, sự hiểu biết lại nông cạn, không có chiều sâu về giáo Pháp bao la của đức Phật. Vả lại, cũng không có khả năng viết về chuyên đề, khảo luận sâu xa… nhưng, trong tâm vẫn mang hoài lý tưởng của người con Phật, biết gì thì chia sẻ đó, để cùng nhau nắm tay, tâm sự để đồng được huỡng những giá trị tâm linh vô giá của đạo Phật, mà trong cuộc đời ngắn ngủi, vô thường… chúng ta lại có diễm phúc được gặp, được thực hành, áp dụng vào đời sống, như lời nói "thân người khó được, Phật Pháp khó gặp" vậy.
Cho nên, với mỗi bài viết, đều đem khả năng giới hạn của mình, qua văn thơ, nhưng điều tâm huyết quan trọng nhất vẫn là muốn chuyên chở một chút gì đó về đức Phật- Nguời mà tôi luôn tri ân, mong báo đáp thâm ân, và giáo Pháp cũng như đời sống trải nghiệm tâm linh của mình, để chia sẻ. Nếu như có ai hũu duyên đọc đến, suy tư, chiêm nghiệm, thực hành và chuyển hoá nội tâm của mình, trở thành những con người nhân bản, biết yêu thương, biết cảm thông, biết tiếp cận, dấn thân chia sẻ mọi nổi khổ đau của đồng loại v.v… trong bối cảnh tang thương, hận thù, đói khát … đang diễn ra ở khắp mọi nơi, thì đó là điều mà tác giả chân thành mong muốn và hạnh phúc.
  
Em hãy hát lên lời muôn thuở
dù thu qua, đông đến, hạ, xuân về
lời bát hát từ trái tim mở rộng
cho nhân gian thoát khỏi những ưu phiền

những thanh âm như thuyền qua biển lớn
chất trên khoang đầy những nét hân hoan
đem cho đời từng hạt nắng từ bi
nước mắt là cơn mưa tình êm đẹp.
Cư sĩ Liên Hoa
theo:loivesenno.com
Read more...

Labels

 
may van con bay © 2011 DheTemplate.com & Main Blogger. Supported by Makeityourring Diamond Engagement Rings

You can add link or short description here